Giai đoạn từ 1 – 2 tuổi trẻ có nhu cầu cao về sắt nhằm đáp ứng sự tăng trưởng và phát triển. Nhiều cha mẹ lo lắng, không biết bổ sung sắt cho bé như thế nào ĐÚNG và ĐỦ. Cùng tìm hiểu chi tiết ngay sau đây nhé.
Mục lục
Có nên bổ sung sắt cho trẻ 1- 2 tuổi?
Sắt được biết đến là nguyên liệu tạo huyết sắc tố, myoglobin, và nhiều enzyme khác (đặc biệt là enzyme hệ miễn dịch)… Sắt tham gia tạo máu, vận chuyển oxy tới các tế bào của cơ thể. Sắt cũng rất cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển não bộ cũng như hệ thần kinh ở trẻ.
Thiếu sắt khiến trẻ biếng ăn, còi cọc, chậm lớn, chậm phát triển về não bộ, thường xuyên ốm vặt… Nếu thiếu máu kéo dài không có biện pháp cải thiện, trẻ dễ bị thiếu máu.
Thực trạng hiện nay, tỷ lệ trẻ thiếu sắt ở nước ta đang ở mức cao đặc biệt là trẻ ở mức 1 – 2 tuổi. Những lý do khiến trẻ ở độ tuổi này thiếu sắt phải kể đến như trẻ cai sữa sớm hoặc sữa mẹ không đủ cung cấp sắt mà bé cần, chế độ ăn uống nghèo sắt, cơ thể hấp thu sắt kém, trẻ đang ở giai đoạn tăng trưởng hoặc do nhiễm giun sán…
Thiếu sắt khiến bé mệt mỏi, xanh xao, sức đề kháng suy giảm… Lâu dài gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm đối với sức khỏe, không chỉ đề kháng mà nhận thức suy giảm, ảnh hưởng tới sức khỏe và học tập sau này. Do đó, bổ sung sắt cho trẻ độ tuổi 1 – 2 là rất cần thiết để duy trì sự sống và giúp trẻ phát triển toàn diện.
Xem thêm: Thiếu sắt ở trẻ có nguy hiểm không?
Bổ sung sắt cho trẻ 1 – 2 tuổi như thế nào?
Về liều lượng: Liều sắt trẻ ở độ tuổi này cần 7mg sắt/ngày, không vượt quá 40mg/ngày. Mẹ lưu ý, không nên cho bé uống với liều lượng quá nhiều có thể dẫn tới ngộ độc sắt gây nguy hiểm đối với sức khỏe.
Về thời điểm bổ sung sắt: Nên cho bé uống sắt vào buổi sáng khi bụng rỗng, tối thiểu trước ăn 30 phút hoặc sau ăn 2 tiếng. Tuy nhiên, đối với những bé có hệ tiêu hóa nhạy cảm, dễ buồn nôn khi uống sắt, mẹ nên cho bé uống trong hoặc sau bữa ăn với liều lượng ở mức thấp, sau đó theo dõi và tăng từ từ tới liều điều trị.
Thời gian bổ sung sắt thông thường kéo dài từ 2 – 3 tháng. Tuy nhiên, thời gian có thể thay đổi tùy thuộc vào sức khỏe cũng như cơ địa của bé. Cha mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết chính xác về liều lượng và thời gian bổ sung.
3 cách bổ sung sắt cho trẻ 1 – 2 tuổi
1. Bổ sung sắt từ sữa mẹ
Trẻ ở giai đoạn từ 1 – 2 tuổi vẫn còn đang bú sữa mẹ. Vì vậy, mẹ vẫn có thể bổ sung sắt cho con từ nguồn dinh dưỡng tuyệt vời này. Tuy hàm lượng sắt trong sữa mẹ khá thấp, chỉ chiếm 0,35mg/lít nhưng cơ thể lại dễ hấp thu nguồn sắt này.
Để tăng chất lượng sữa mẹ, mẹ nên xây dựng thực đơn ăn uống giàu sắt từ những thực phẩm như thịt đỏ, hải sản, trứng, rau xanh lá đậm, các loại đậu, các loại hạt… nhé.
Chi tiết: Hướng dẫn bổ sung sắt cho trẻ qua sữa mẹ
2. Chế độ ăn uống giàu sắt cho bé
Giai đoạn 1 – 2 tuổi bé đã ăn dặm khá tốt, mẹ có thể xây dựng thực đơn giàu sắt cho con. Nhóm thực phẩm giàu sắt bao gồm:
- Nguồn động vật: Thịt đỏ (thịt lợn, thịt bò, thịt cừu, thịt dê…), hải sản (tôm, cua, cá hồi, ngao, sò, hàu…), gan thận động vật, trứng, thịt gia cầm.
- Nguồn thực vật: Rau lá xanh như rau bina, bông cải xanh, rau ngót, rau cải chíp, cải ngọt, xà lách…; các loại đậu (đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu lăng…), các loại hạt (hạt chia, hạt óc chó, hạnh nhân…), ngũ cốc nguyên hạt…
Trong đó, nguồn sắt từ động vật dễ hấp thu hơn từ thực vật. Mẹ kết hợp thực phẩm để xây dựng thực đơn đa dạng khác nhau, không chỉ giúp mẹ thích thú khi ăn uống mà còn cung cấp đủ các nhóm dinh dưỡng giúp con phát triển tốt.
Mẹ nên bổ sung cho con thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường hấp thu sắt. Trái cây họ cam quýt, ớt chuông, bông cải xanh, dâu tây, cà chua… là nhóm giàu vitamin C mà mẹ nên thêm vào thực đơn ăn uống cho con.
3. Bổ sung chế phẩm sắt
Khi nguồn dinh dưỡng không cung cấp đủ lượng sắt cần thiết, mẹ có thể bổ sung thông qua các chế phẩm sắt. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý không nên tự ý cho bé uống sắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Trên thị trường hiện nay có vô số các loại chế phẩm sắt khác nhau. Tuy nhiên, để lựa chọn loại phù hợp cho bé, mẹ nên dựa vào các tiêu chí sau khi chọn sắt bổ sung cho con:
- An toàn
- Nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín
- Hiệu quả
- Dễ uống
Khi bổ sung sắt cho con, cha mẹ cần tuân thủ theo liều lượng, thời gian mà bác sĩ đã chỉ định. Tránh uống sắt với nhóm thực phẩm kiêng kị như thực phẩm giàu canxi, đồ uống có ga, caffein gây giảm hấp thu sắt. Đồng thời, uống cùng vitamin C giúp cơ thể hấp thu sắt hiệu quả hơn.
Uống sắt có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như táo bón, tiêu chảy, nóng trong. Mẹ nên lựa chọn loại sắt dễ hấp thu, hạn chế các tác dụng phụ thường thấy ở sắt.
Xem chi tiết: Trẻ uống sắt bị táo bón phải làm sao?
Sau khi trẻ uống sắt, mẹ nhớ để thuốc xa tầm tay trẻ em để tránh tình trạng bé sử dụng quá liều dẫn tới ngộ độc sắt rất nguy hiểm tính mạng.
Ý kiến của bạn